Cơ Quan Quản Lý Đường Bộ ‘Kiến Tạo’ Cho Các Dự Án Điện Gió Tại Quảng Bình, Quảng Trị

24/08/2021

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản đề nghị Cục Quản lý Đường bộ II và Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức (Vietranstimex) làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên trong việc việc rà soát, kiểm tra tình trạng, khắc phục, sửa chữa một số cây cầu, đoạn đường quốc lộ bị hư hỏng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa nói chung và cho các doanh nghiệp vận chuyển thiết bị “siêu trường, siêu trọng” cho các dự án điện gió nói riêng trên địa bản tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Hình ảnh xe chuyên dụng của Vietranstimex vận chuyển thiết bị điện gió

Theo các thông tin báo cáo, tại tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 1.177 MW và còn 53 dự án với tổng công suất trên 2.853 MW đã được tỉnh trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung quy hoạch.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã đồng loạt khởi công xây dựng nhiều dự án điện gió với các thiết bị siêu trường, siêu trọng, có kích thước và khối lượng rất lớn được vận chuyển qua các đoạn quốc lộ và đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển thiết bị do một số cây cầu hư hỏng nặng.

Cụ thể, trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 có cầu Room (tại Km 606+418/QL 1, cầu vượt tại Km 665+26,15/QL1), cầu Quán Hàu (tại Km 671+500/QL1), cầu Hiền Lương (tại Km 735+125/QL1), cầu Ba Ngào (tại Km 43+889/QL9), cầu Khe Sanh (tại Km 65+528/QL9), cầu Gianh (tại Km 625+500/QL1)... Các cây cầu này đều nằm trên tuyến đường vận chuyển các thiết bị điện gió từ Cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình và Cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị đến các dự án điện gió thuộc khu vực hai tỉnh.

Theo Văn bản số 5802/TCĐBVN-ATGT ngày 16 tháng 8 năm 2021, ngay sau khi nhận được báo cáo của Cục Quản lý Đường bộ II và kiến nghị của các doanh nghiệp vận chuyển thiết bị điện gió về tình hình hư hỏng của một số cây cầu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị gây cản trở trong việc lưu thông hàng hóa và công tác vận chuyển thiết bị, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đầu mối liên quan triển khai xử lý nhằm kịp thời khắc phục sự cố trên đường vận chuyển. Cụ thể:

Thứ nhất: Về phía Cơ quan Quản lý Nhà nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý Đường bộ II làm đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ hiện trạng các công trình cầu, đường trên tuyến vận chuyển. Mặt khác, Cục Quản lý Đường bộ II bố trí nhân sự, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải trọng của công trình và tổ chức giao thông, điều chỉnh, cải tạo gia cường (nếu có) và kiểm tra, giám sát, đánh giá, cũng như báo cáo kết quả khảo sát, tính toán của đơn vị tư vấn.

Thứ hai: Về phía doanh nghiệp (chủ đầu tư và đơn vị vận chuyển), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức Vietranstimex là đơn vị đã và đang vận chuyển thiết bị cho một số dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chủ trì, chịu trách nhiệm thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá, kiểm định các cầu trên toàn tuyến, bao gồm từ Cảng Hòn La và Cảng Cửa Việt về đến khu vực các dự án điện gió tại Hướng Hóa - Quảng Trị (đo đạc, kiểm tra đánh giá hiện trạng cầu; kiểm tra đánh giá khả năng chịu lực của các cầu) … Đồng thời, chỉ đạo đơn vị tư vấn, thiết kế chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường bộ, Cục Quản lý Đường bộ II và các bên liên quan trong suốt quá trình khảo sát, thi công sửa chữa, cải tạo (nếu có) và báo cáo về Cục Quản lý Đường bộ II trước ngày 3/9/2021.

Riêng đối với cầu Gianh (Km 625+500/QL1) phải hoàn thành trước ngày 25/8/2021.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nhà quản lý, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao quyền cho doanh nghiệp chuyên ngành, có nhiều năm kinh nghiệm, có năng lực tài chính mạnh cùng chủ trì làm đầu mối khảo sát, tư vấn, tính toán thiết kế, tổ chức sửa chữa, khắc phục cầu, đường (nếu có) nêu trên là hợp lý và kịp thời trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp để đáp ứng tiến độ khẩn trương của các dự án điện gió nói riêng, cũng như an toàn giao thông nói chung.

Việc Cơ quan Quản lý Nhà nước về Đường bộ giao cho đơn vị đã, đang vận chuyển thiết bị cho các dự án điện gió trên địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị chủ trì thuê tư vấn khảo sát, tính toán và tổ chức thi công sửa chữa cầu, đường (nếu có) là rất thực tế. Từ “kiến tạo” này, chắc chắn, thời gian tiến hành khảo sát, sửa chữa cầu, đường trong khu vực sẽ được rút ngắn, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió kịp đưa vào vận hành trước ngày 30/10/2021 (thời hạn hết hiệu lực cơ chế ưu đãi của Chính phủ cho nguồn điện gió).

Ngoài ra, theo nội dung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về yêu cầu khảo sát, đánh giá và kiểm định các cầu trên toàn tuyến (bao gồm từ Cảng Hòn La và Cảng Cửa Việt về “thủ phủ” điện gió tại Hướng Hòa - Quảng Trị) còn nhằm một mục tiêu hết sức quan trọng - đó là tạo tiền đề cho việc phát triển hệ thống đường bộ, tạo đà phát triển cho địa phương, cũng như đánh giá mức độ an toàn của các quốc lộ huyết mạch (Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9). Vì vậy, công việc này cần sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế khu vực.

Các chuyên gia cũng lưu ý: Để công tác khảo sát, đánh giá, kiểm định, sửa chữa cầu, đường trên các tuyến này được nhanh chóng, hiệu quả, yêu cầu chủ đầu tư các dự án điện gió, các đơn vị vận chuyển trên địa bàn cùng phối hợp, hỗ trợ chia sẻ đóng góp kinh phí và thống nhất kế hoạch tiến độ để đơn vị được giao nhiệm vụ khẩn trương thực hiện.