Ðổi mới phương thức đầu tư cảng biển

17/10/2006
Ðến nay, có 23 cảng biển do Nhà nước đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, rồi giao cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc giao cho đơn vị sự nghiệp có thu quản lý là chính.

Với cách quản lý này, các nguồn thu từ dịch vụ khai thác cơ sở hạ tầng được nộp vào ngân sách. Các nguồn chi được hạch toán đầy đủ. Khi cần đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng thì lại được Nhà nước rót vốn. Nhưng, Nhà nước không thể thực hiện được việc thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra, dẫn đến nguồn vốn ngày càng giảm, lại phải chia phần, dàn rải cho các cảng. Vì lẽ, cảng nào, vùng miền nào cũng quan trọng và đều có nhu cầu lớn về vốn.

Vậy là, có tình trạng cảng biển nhiều nhưng hiệu quả ít. Tình hình nêu trên đòi hỏi sớm đổi mới phương thức đầu tư, quản lý và khai thác cảng biển.

Trong Bộ luật Hàng hải được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2006 có nêu: Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển theo quy hoạch. Nhằm đưa Luật Hàng hải vào cuộc sống, các Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty lắp máy (Lilama) đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận cho các đơn vị liên kết xây dựng cụm tổ hợp cảng và khu công nghiệp (KCN) tại đảo Hòn Miễu (Hải Hà, Quảng Ninh).

Nơi đây, rồi sẽ hình thành cảng nước sâu bao gồm: hệ thống cảng chuyên dùng, cảng container; các nhà máy đóng tàu, cán thép, nhiệt điện và nhà máy lọc hóa dầu... tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Ðông Bắc của Tổ quốc. Ðể thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị nêu trên đã thành lập các tổ hợp, công ty cổ phần và chủ động bỏ vốn thuê tư vấn lập quy hoạch, thiết kế các công trình và hạng mục công trình.

Ðiều này mở ra hướng mới trong đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển. Ðó là cảng biển có chủ thật sự. Các DNNN góp vốn đầu tư rồi chịu trách nhiệm khai thác dịch vụ cảng biển, không chỉ để thu hồi vốn mà DN đã đầu tư, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả sử dụng cảng biển vì lợi ích thiết thân của DN.

Ở khu vực bắc miền trung, tỉnh Quảng Bình cũng đang có nhu cầu xây dựng cảng Hòn La. Việc đầu tư xây dựng cảng Hòn La gắn với hình thành KCN Hòn La là một trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới của Quảng Bình. Cảng Hòn La là cần thiết để phục vụ phát triển KCN Hòn La và Nhà máy xi-măng Sông Gianh.

Nhưng ở đây đang có hai phương án đầu tư: phương án thứ nhất, ngân sách nhà nước chi 500 tỷ đồng vốn đầu tư. Và nếu ngân sách Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng rồi giao cho DNNN khai thác thì lại rơi vào phương thức đầu tư, quản lý cũ là không thu hồi được vốn. Cảng cũng không có chủ thật sự.

Còn phương án thứ hai là, thực hiện Luật Hàng hải, mạnh dạn giao cho DNNN làm chủ đầu tư để cảng có chủ thật sự. Công ty vận tải đa phương thức (Vietranstimex) là DNNN trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, hoạt động đa ngành vận tải, có điều kiện quản lý, khai thác tốt và huy động cao nhất khả năng kinh doanh tổng hợp tạo cơ sở vững chắc cho việc vay, trả vốn. Khi Nhà nước có yêu cầu sử dụng cảng đột xuất phục vụ lợi ích quốc gia thì vẫn thuộc quyền Nhà nước. Nếu giao cho Vietranstimex làm chủ đầu tư thì đơn vị sẽ chủ động phân kỳ đầu tư của từng giai đoạn phù hợp nhu cầu của lượng hàng thông qua cảng. Từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu tư có thể huy động phục vụ từng bước xây dựng công trình với năng lực tài chính từ kinh doanh tổng hợp của đơn vị, bảo đảm kinh doanh hiệu quả để thu hồi vốn.

Luật Hàng hải và thực tiễn từ cuộc sống đòi hỏi chúng ta mạnh dạn đổi mới phương thức đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển theo hướng giao cho một hay một số DNNN có đủ năng lực thực hiện để góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và nâng cao sức cạnh tranh của cảng biển nước ta.