Ownership — Tinh Thần Làm Chủ

29/07/2020

Từ các tập đoàn lớn trên thế giới cho đến các công ty ở Việt Nam, Ownership – tinh thần làm chủ được coi là giá trị cốt lõi giúp tổ chức phát triển bền vững.
Nhưng hiểu như thế nào về Ownership và làm sao để gây dựng sức mạnh kì diệu này? 
1. Ownership - Làm chủ công việc
Rất nhiều công ty coi Ownership như một giá trị văn hoá. Định nghĩa về Ownership có thể tóm tắt trong các điểm sau đây:

  • Chủ động với công việc, không chờ đợi
  • Để tâm tới kết quả, nghĩ về điều có lợi nhất cho tổ chức

Nhận trách nhiệm, không đổ lỗi.Tinh thần "làm tới nơi tới chốn" – plan it, do it, finish it well cũng chính là một cách hiểu về Ownership: Không chỉ hoàn thành công việc, mà phải hoàn thành tốt và dành tâm huyết để nghĩ về việc làm tốt hơn, để ý tới kết quả dài hạn và có lợi nhất cho công ty.
Có rất nhiều cách diễn đạt khác nhau và kể cả khi người ta không dùng từ Ownership, các công ty đều muốn diễn đạt thứ tinh thần làm việc tích cực mà họ muốn mọi nhân viên của mình có được. Đó chính là sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết, làm có tâm, không nề hà.

Khi là “owner” — người làm chủ đầu việc, bạn sẽ là đầu mối xử lý mọi tác vụ, trả lời mọi câu hỏi liên quan. Nếu chưa có thông tin, bạn sẽ thu thập. Nếu có lỗi, bạn sẽ tìm người biết cách sửa. Nếu việc bạn chưa biết làm, bạn sẽ đi hỏi, đi nhờ giúp đỡ. Nếu việc liên quan đến phòng ban khác, bạn sẽ tổ chức họp và thúc đẩy tiến độ.
Tất cả các nhân viên có tinh thần Ownership đều sẽ không nói câu ““Đó không phải là việc của tôi”, cho dù họ có ở vị trí lãnh đạo hay không. Cho dù đó là việc của người khác, nhóm khác, phòng ban khác, nếu bạn cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm và sự chủ động, đừng ngần ngại “Hãy thể hiện tinh thần làm chủ công việc - take Ownership”.

Nếu không phải bây giờ, thì khi nào? Nếu không phải tôi, là ai? - if not now, when? If not me, who? — Alibaba

2. Ownership mindset –  Hãy tư duy đây cũng là công ty của tôi
Từ những việc đơn giản như tắt đèn, tắt điều hòa khi ra về, mỉm cười với khách hàng, cho tới việc tiết kiệm chi phí công tác, giữ gìn hình ảnh công ty… có thể được đào tạo, đưa vào nội quy. Nhưng chỉ cần nhân viên quan tâm tới công ty thì họ sẽ tự làm những điều đó.
Ownership mindset – Tư duy như một người làm chủ chỉ xuất hiện nếu người đó thật sự quan tâm đến công ty như một phần ý nghĩa của cuộc đời mình. Người tận tâm sẽ luôn hết mình để phát huy các giá trị của công ty, cả trong và ngoài công việc hàng ngày.

3. Ownership mindset – Tư duy về tinh thần làm chủ là văn hoá và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Không cần phải bàn thêm về sức mạnh của một doanh nghiệp nếu các thành viên trong đó cùng làm việc hết mình với trách nhiệm cao vì mục tiêu chung.
Nhưng thật ra tất cả những điều này đã được đề cập từ lâu và trở thành điều hiển nhiên của một người làm việc tận tâm. Tuy nhiên, mọi giá trị kể cả hiển nhiên mức nào cũng cần được hệ thống hoá để duy trì.
Nếu chúng ta thể hiện tinh thần Ownership thấp, làm việc qua loa hời hợt, thụ động, kém trách nhiệm, hay đổ lỗi… thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại bền vững. 
Sẽ ra sao nếu chúng ta đồng hành cùng doanh nghiệp của mình từ những ngày đầu tràn đầy nhiệt huyết, hừng hực khí thế, đến khi nhận thấy hình ảnh của những “zombie” xuất hiện, tính Ownership trong doanh nghiệp giảm dần, mọi người mất tinh thần và động lực “chiến đấu”, đó sẽ là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn xảy ra.
Ownership mindset – Tư duy về tinh thần làm chủ là thứ văn hoá phải được nuôi dưỡng và gìn giữ trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

4. Ownership reward - Sự tưởng thưởng xứng đáng cho tinh thần làm chủ 
Không cứ phải sở hữu thì mới có tư duy làm chủ! Một đội ngũ mạnh mẽ nhất là khi các thành viên cùng làm việc hết mình với trách nhiệm cao nhất vì mục tiêu chung.
Khi chúng ta được tin tưởng và được trao quyền để đưa ra các quyết định, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Những quyết định này có thể đúng hoặc chưa đúng nhưng chúng ta có thể học hỏi từ các sai lầm và tìm ra giải pháp tốt nhất của vấn đề, để chẳng bao giờ mắc phải cùng một sai lầm lần thứ hai.
Một điều quan trọng trong khi đưa ra các quyết định là chúng ta cần phải tuân thủ các quy trình nội bộ (SOP) để đảm bảo không xảy ra những rủi ro đáng tiếc cho công ty.

*Nguồn: medium.com